Ở mỗi giai đoạn, trẻ sơ sinh sẽ có những giấc ngủ khác nhau. Có nhiều ý kiến cho rằng, không nên cho trẻ ngủ quá lâu vào ban đêm, trẻ dễ kiệt sức vì không đủ dinh dưỡng từ sữa. Vậy thực hư là như thế nào và giấc ngủ có tầm quan trọng ra sao, Vinanoi mời các mẹ theo dõi bài viết bên dưới nhé.
Bước ngoặt trong giấc ngủ của trẻ 5 tháng tuổi
1. Xây dựng quy luật của ngày và đêm
Quy luật ngày và đêm trong một ngày thực tế cũng tương tự như những chiếc đồng hồ sinh học mà chúng ta thường nói đến. Nó khống chế cơ thể con người theo cách trong những khoảng thời gian khác nhau sẽ có những chức năng và quá trình hoạt động khác nhau. Khi trẻ sơ sinh được khoảng 4 tháng tuổi thì cũng có nghĩa là 4 quy luật sinh học đã hình thành. Những quy luật này tác dụng qua lại để tạo nên quy luật sinh hoạt trong một ngày.
Ngoài ra, giấc ngủ còn chịu sự điều tiết của các tín hiệu mà bên ngoài tác động đến, chẳng hạn như âm thanh, ánh sáng. Vì vậy, nếu để ý bạn sẽ phát hiện những trẻ 4 – 5 tháng tuổi sẽ có một số vấn đề khi ngủ, điển hình như thay vì một thời gian nào đó vốn dĩ đồng hồ sinh học của trẻ rơi vào trạng thái ngủ thì do ảnh hưởng môi trường bên ngoài làm trẻ giật mình tỉnh giấc hoặc là ngược lại. Tiết tấu ngủ – thức này phá vỡ nhiều quy luật sinh học nên chất lượng giấc của trẻ kém đi.
Vì vậy, việc xây dựng quy luật ngày và đêm có tác dụng vô cùng quan trọng đối với việc hình thành quy luật giấc ngủ của trẻ 5 tháng tuổi. Giai đoạn này, cơ bản thì ban ngày trẻ nên có đủ khoảng 3 giấc ngủ, nghĩa là sáng 1 giấc, trưa 1 giấc và chiều muộn 1 giấc ngắn nữa. Thời gian ngủ vào ban đêm bắt đầu cố định trong giới hạn từ 7 đến 9 tiếng.
Tham khảo: Nuôi con theo phương pháp EASY: Bé khoẻ, mẹ nhàn tênh
2. Phát triển khả năng tự đi vào giấc ngủ
Nếu như giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi, trẻ thường gặp khó khăn trong việc tự ngủ thì bắt đầu từ tháng thứ 4, khi mà sinh lý cơ thể thành thục hơn nên khả năng này cũng được nâng cao. Đặc biệt khi trẻ đủ 5 tháng tuổi thì gần như có thể dễ dàng tự mình chìm vào giấc ngủ mà không cần quá nhiều tác động từ người lớn.
Chính vì vậy, bố mẹ nên tranh thủ thời kỳ này hỗ trợ và rèn luyện thêm cho trẻ. Bạn có thể trì hoãn thời gian trong việc dỗ dành nếu trẻ thức giấc khi ngủ. Cách này giúp trẻ phát triển năng lực tự quay trở lại giấc ngủ bị gián đoạn. Tuy nhiên, khả năng tự lực của trẻ vẫn ở giai đoạn đang hoàn thiện nên sau khi bạn dành cho con một “thời gian rèn luyện” nhất định mà trẻ không tự ngủ lại được thì bạn vẫn phải vỗ về ru bé ngủ lại.
3. Ngủ một giấc hoàn chỉnh vào ban đêm
Sau khi trẻ đã xây dựng được quy luật sinh học ngày và đêm thì 2/3 giấc ngủ sẽ diễn ra vào ban đêm. Nếu như trước đó bé sơ sinh rất dễ giật mình nhiều lần thì tới giai đoạn này, trẻ đã có thể ngủ một mạch khoảng 5 tiếng đồng hồ, sau đó có thể ngủ lại một giấc ngắn khoảng 3,5 – 4 tiếng nữa thì thức dậy đã là buổi sáng hôm sau.
Hiệp hội Quốc tế Nuôi con bằng sữa mẹ cho rằng nếu như em bé bú mẹ mà có thể ngủ liên tục 5 tiếng không giật mình đòi bú thì có nghĩa là đã đạt được “giấc ngủ hoàn chỉnh” vào ban đêm. Khi trẻ 6 tháng tuổi thì thời gian ngủ sẽ càng dài hơn, thậm chí đạt đến 7 tiếng. Do đó giấc ngủ của trẻ 5 tháng tuổi thông thường cũng chỉ cần một cữ bú đêm là có thể ngủ ngon đến sáng.
Những vấn đề thường gặp đối với giấc ngủ của trẻ 5 tháng tuổi
1. Bản năng lật người ảnh hưởng đến giấc ngủ
Giai đoạn 4 – 5 tháng tuổi đa số trẻ đã bắt đầu biết lật. Trẻ nhỏ khi mới học được một kỹ năng mới thì luôn cảm thấy mới mẻ và hiếu kỳ, vì vậy bất kể ngày hay đêm đều muốn thử và luyện tập kỹ năng này. Cũng vì lý do này nên mặc dù đã hình thành quy luật giấc ngủ tương đối ổn định nhưng rất có thể vì tác động của bản năng lật người mà trẻ vẫn dễ bị thức giấc nửa đêm.
Đối với tình trạng này, bố mẹ có thể giúp bé khắc phục bằng nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên, bạn nên cho trẻ tập lật nhiều hơn vào ban ngày. Một mặt giúp cơ thể trẻ phát triển tốt hơn, đặc biệt là hệ xương, cơ bắp và cả sức đề kháng, mặt khác cũng có thể khiến trẻ mệt ở một mức độ nhất định và sẽ ngủ tốt hơn vào ban đêm.
Bên cạnh đó, mẹ có thể dùng công cụ hỗ trợ như đặt gối cố định hai bên người khi trẻ ngủ, tạo ra một không gian ngủ nhỏ hẹp hơn khiến trẻ khó lật trở mình. Tuy nhiên, bạn cũng phải đảm bảo sự thoải mái cho bé cử động cơ thể, nếu không thì cảm giác khó chịu vì gò bó có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
2. Tỉnh giấc nửa đêm chỉ để “nằm chơi”
Bé giật mình trong đêm “nằm chơi” không có nghĩa là trẻ muốn chơi đồ chơi mà là chỉ một hiện tượng gọi là “đêm bị phân cách”. Hiện tượng này xảy ra kéo dài trong một khoảng thời gian và trẻ thường thức giấc ở một mốc giờ tương đối cố định. Sau khi thức, trẻ không khóc quấy, thậm chí nếu mẹ đến bồng bế dỗ dành còn khiến trẻ kháng cự lại. Bé “nằm chơi” tầm 60 – 90 phút thì sẽ tự ngủ trở lại hoặc lúc này mới bắt đầu khóc quấy đòi được ru ngủ.
Các chuyên gia sức khỏe trẻ em cho biết: Hiện tượng “đêm bị phân cách” thường xảy ra cao điểm trong giấc ngủ của trẻ 5 tháng tuổi. Nguyên nhân chủ yếu có thể do bạn cho trẻ đi ngủ quá sớm vào ban đêm hoặc trong quá trình ngủ bị quấy nhiễu bởi các yếu tố bên ngoài.
Tình trạng này chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra thì không sao nhưng nếu trở thành một thói quen thì bạn cần giúp trẻ điều chỉnh. Cách tốt nhất chính là tạo môi trường ngủ lý tưởng cho bé, đồng thời đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc cần thiết của độ tuổi, nghĩa là không phải ép trẻ đi ngủ quá sớm.
Cre: Lê Phương